ĂN ROI MÀ LỚN [Phần 4]
THỜI GIAN CÓ THỰC SỰ CHỮA LÀNH ĐƯỢC NHỮNG VẾT THƯƠNG?
Nó từ từ tỉnh và các bộ phận trên cơ thể bắt đầu có lại cảm giác. Nó không biết là mình vừa ngủ hay vừa bất tỉnh nữa. Nó không đủ sức cựa quậy, các đầu ngón tay, ngón chân khẽ co duỗi, nó muốn tìm hiểu xem có bộ phận nào đã ra đi mà nó không biết không. Nó như con thạch thùng nằm bẹp dưới nền nhà, bộ quần áo cũ vốn đã bợt vì nó mặc lại của chị họ, giờ thì rách, bẩn vì dính đất, dính máu, dính phân, ướt vì nước mắt, nước mũi và nước đái.
Cái câu “vãi cứt vãi đái” nó không phải chỉ dùng để bông đùa, chửi thề nơi cửa miệng đâu. Nó có thật đấy! Khi bạn hoảng sợ tới đỉnh điểm và bị đánh đập dã man, nó sẽ xảy ra. Người ta đánh bạn nhiều thành có kinh nghiệm, lại còn kết hợp cả kinh nghiệm trọi gà vào làm chiến thuật. Đầu tiên phải vả thật mạnh vào hai bên mang tai với toàn bộ diện tích bàn tay. Cái vả đó sẽ làm nạn nhân choáng váng, gần như tê liệt, ngã gục sau đó. Sau đó bạn có thể thoải mái đánh đập kiểu gì tiếp theo tùy thích, bao lâu tùy sức của bạn. Nạn nhân sẽ không thể giải thích, trình bày, khóc lóc, cầu xin hay chống cự.
Nhận ra mình vẫn còn sống và không thiếu bộ phận nào, nó cố ngóc đầu dậy. Mọi thứ lờ mờ nhờ cái đèn ngủ nhỏ màu đỏ ở góc nhà. Trời tối, vậy đang là mấy giờ nhỉ? Mới tối thôi, sắp khuya rồi hay đang là gần sáng? Xung quanh nó, những mảnh gãy, vỡ của chổi lan, chổi lúa, đũa cả; không xa là cái thắt lưng cũng nằm với nó trên cùng một mặt phẳng. Vỏ chai rượu, vỏ lạc cũng nằm cả trên sàn. Sách vở của nó cố bám víu lấy nhau cho thành đống, chắc chúng nghĩ như vậy sẽ được sống sống chung, chết chết chung ấy mà. Xoẹt qua trong trí nhớ, hình như cả cái bàn học cũng đã ốp nguyên vào người nó.
À, mũi nó vẫn ngửi được nhé. Mùi của con chim chết nằm trên nền đất, ngay trước mặt nó, tanh tưởi đến muốn nôn mửa. Ruột nó cuộn lên, cổ họng muốn ọe ra, nhưng cũng chẳng có gì để bộ máy tiêu hóa đó đẩy ra cả. Chẳng nhẽ lại lấy dịch dạ dày hay huy động mật từ tận túi mật ra để mà nôn.
Rồi nó lại nhận ra rằng nó không thấy lạnh, mọi ngày nó nằm trên giường còn phải co ro với cái chăn, hôm nay quần áo đã vậy lại còn nằm ôm chặt lấy cái nền đất ẩm mà sao nó không thấy lạnh nhỉ? Siêu thật. Chắc nó đã nằm đủ lâu để sưởi ấm cả cái nền đất này.
Khi ý thức quay lại cũng là lúc nó bắt đầu sợ: giá như nó không tỉnh lại, đã mất hết cảm giác rồi thì sao nó không chết luôn đi. Bố nó sẽ chỉ ngủ đến sáng, sáng mai nó sẽ như nào? Liệu nó có bị đánh tiếp không? Họ hàng, hàng xóm có ai biết nó bị đánh không? Có ai qua cứu nó không? Trời đừng sáng hoặc nó có thể bất tỉnh tiếp được không?
Chị kể với tôi ký ức trên trong một góc nhỏ của một quán trà. Hôm đó chị mặc một chiếc váy không thể công chúa hơn, nom chị dạo này trẻ hơn, xinh hơn, chắc lòng chị đã yên ổn hơn đôi chút. Tôi hỏi chị có hận không? Chị cười ngọt: “Không”. Chị bảo nhờ những ngày tháng đó mà giờ chị lý trí, mạnh mẽ hơn nhiều người khác.
Có thật là tất cả chỉ là chuyện đã qua không chị? Tại sao chị mỗi lần gặp chị đều chọn ngồi ở góc, nơi không gian nhỏ, có chỗ tựa lưng, nơi có mái hay cây che trên đầu? Chị vẫn sợ hãi đúng không? Chị muốn tìm nơi có cảm giác bản thân được an toàn, được bảo vệ? Sao chị ăn mặc công chúa thế? Lại thường là gam màu ấm nóng? Vì chị muốn tự bù đắp cho bản thân sau những ngày tủi cực? Là chị đang tự sưởi ấm trái tim mình? Đúng, chị mạnh mẽ thật! Chị đang tự mình, từ từ khâu vá lại trái tim. Ngay cả khi tự chữa lành cũng đau đớn lắm đúng không chị? Tự tay khâu mà.
Mỗi lần gặp, tôi đều nài nỉ chị kể cho mình nghe về một “mảnh ký ức”. Tôi không nghĩ nhiều về việc mình đang bắt chị phải nhớ lại, sống lại những tháng ngày đó. Hình như chị chưa bao giờ thoát khỏi những ám ảnh ấy, chị vẫn sợ hãi, hoảng loạn và tự ti. Vì sao tôi biết ư ? Vì đôi mắt chị biết nói, nó không giỏi che dậy như bề ngoài của chị. Có lần chị đùa là để chị kể một lèo cho mà nghe hết những chuyện chị nhớ. Lần nào gặp cũng bắt chị kể chuyện không vui, chị chán. Tôi lắc đầu lia lịạ. Bản thân thôi không thể chịu đựng được nhiều hơn một ký ức của chị. Mỗi trận đòn tôi như rách da cùng chị, tôi như đứng giữa căn nhà ấy hàng chục lần để chứng kiến hàng chục câu chuyện khác nhau, tôi thấy chị nằm bất động dưới đất, tôi thấy chị quỳ ở xó nhà, tôi thấy chị gục khóc trên bàn học, tôi thấy chị cuộn chặt mình trong cái chăn, tôi thấy chị dùng gối để bịt chặt hai tai lại. Tôi cũng vụn vỡ trong từng câu chuyện của chị.
“Em có biết điều gì chị không thể thay đổi ở bản thân không?” Tôi im lặng. Chị nâng tách trà lên nhấp một ngụm rồi hạ xuống, nhìn ra ngoài cửa sổ. Miệng chị định nói rồi lại ngừng, định nói rồi lại ngừng. Thừa nhận khuyết điểm hay nỗi đau chẳng dễ dàng gì, huống hồ lần này là cả hai. “Chị không thể kiểm soát được cảm xúc khi nghe thấy tiếng đàn ông to tiếng. Chính xác là chị hoảng loạn với âm thanh đó. Nhiều khi chỉ là đi qua chỗ người ta cãi nhau hay hàng xóm cãi lộn, chị chỉ muốn tìm ngay chỗ trốn.” Hai tay chị dần siết chặt tách trà. “Khi ngủ chị cần tuyệt đối yên tĩnh, nếu có tiếng xe máy tiến gần, tiếng mở cửa hay tiếng bước chân, chị cũng sẽ lại hoảng sợ, tim đập thình thịch. Nhưng chị sẽ vẫn tiếp tục giả vờ như đang ngủ say. Giống ngày xưa. Để không bị lôi dậy đánh. Thật ngớ ngẩn phải không? Bây giờ thì ai đánh chị chứ?”.